Thói quen viết tay của những bậc thầy sáng tạo trên thế giới – BLUSAIGON user

Thói quen viết tay của những bậc thầy sáng tạo trên thế giới

Trong ký ức của thế hệ 7X, sự ra đời của công nghệ giúp cho cuộc sống trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn, vai trò của những cuốn sổ ghi số điện thoại đang dần được thay thế bởi smartphone. Dù vậy, việc ghi chép bằng giấy bút vẫn rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích. Những bậc thầy sáng tạo trên thế giới từ cổ chí kim đã và vẫn đang tiếp tục duy trì thói quen viết tay.

Mệnh danh là nhà thiên tài toàn năng, Leonardo Da Vinci được thế giới biết đến với nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng như bức họa nàng Mona Lisa hay bức Bữa ăn cuối cùng. Không chỉ thế, ông còn để lại cho nhân loại một kho tàng kiến thức đồ sộ hơn 30 cuốn sổ viết tay. Trong sổ của ông liệt kê từ những điều bình thường nhất như dắt chó đi dạo, đến những chuyện khác người như xin hộp sọ để hoàn thành cuốn sách về giải phẫu học, hoặc những tư tưởng tầm cỡ đi trước thời đại. Một điểm thú vị là trong sổ tay, ông luôn viết ngược và muốn đọc được, phải dùng một tấm gương phản chiếu lại theo chiều thuận.

Không chỉ là người dọn đường cho thời kì âm nhạc lãng mạn, Ludwig Van Beethoven còn là tín đồ của những cuốn sổ tay nhỏ và có thói quen ghi chép thường xuyên. Người ta luôn bắt gặp ông cùng sổ và bút nắm chặt trong tay để không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào ý tưởng ập tới, dù là khi đi dạo trên đường hay lúc thưởng thức một li bia. Với Beethoven, việc ghi chép không đơn giản chỉ để lưu lại, ông tin rằng hành động này giúp kích phát trí tưởng tượng. Khi mất đi thính lực, bút viết và sổ tay càng trở nên gắn liền với ông hơn, bởi viết là cách ông và người thân, bạn bè giao tiếp với nhau.

Đại thi hào người Mỹ Mark Twain, một nhà văn trào phúng luôn khiến độc giả phải bật cười với lối hành văn châm biếm sâu sắc và trầm trồ trước sự khéo léo diệu vợi trong việc miêu tả tâm lí xã hội cũng là một người có thói quen viết tay thường xuyên. Không chỉ viết khi sáng tác, ông viết lại tất cả những sự kiện diễn ra theo chiều dài lịch sử mà ông chứng kiến, những suy niệm cá nhân, và cả "những điều vụn vặt" sống mãi với thời gian. Văn của Mark Twain gắn liền với sự trải nghiệm và những chuyến du hành mà trong mỗi chuyến đi ấy, ông đã viết lại tất cả trong hàng trăm cuốn sổ tay bỏ túi của mình.

Không chỉ là bạn đồng hành của những thiên tài thời trước, bút và sổ vẫn gắn bó với những bộ óc vĩ đại thời nay. Là thiên tài trong lĩnh vực máy tính, nhưng Bill Gates vẫn duy trì thói quen giản dị là viết tay. Ông thích sử dụng một cuốn sổ màu vàng để ghi lại những thông tin, từ buổi họp toàn cầu đến công thức nấu ăn. Ngoài Bill Gates, còn rất nhiều những thiên tài, nhà văn, nhà báo, nhà giáo vẫn tìm thấy vẻ đẹp gạch xóa của việc viết tay, điển hình là Tim Ferriss với câu nói “Tôi tin vào một cây bút yếu nhất hơn là bộ nhớ mạnh nhất”. Ông khuyên mọi người hãy ghi lại cảm xúc và suy nghĩ vào một cuốn sổ. Lợi ích của việc ấy không nằm ở nội dung viết ra, mà chính là quá trình khi chúng ta làm điều đó. Những cảm xúc tích cực được viết ra sẽ lan tỏa mạnh hơn, còn những tiêu cực tự khắc biến mất khỏi đầu óc.

Dù là thời đại nào, giá trị của việc ghi chép vẫn chưa từng mai một. Ghi chép không chỉ để lưu lại những gì cần phải nhớ, mà còn giúp chúng ta lắng nghe tốt hơn và cô đọng thông tin theo tư duy của mình, đồng thời nắm bắt được những ý tưởng sáng tạo. Hẳn mỗi người trong đời đều có những khoảnh khắc lóe sáng vụt qua trong đầu. Chỉ là có người ghi chép lại, có người để khoảnh khắc đó trôi đi. Trôi đi mãi mãi...

back to top