Lịch sử 130 năm của bút bi và những điều bạn chưa biết – BLUSAIGON user

Lịch sử 130 năm của bút bi và những điều bạn chưa biết

Từ một công cụ sơ sài chỉ để viết trên bề mặt thô cứng đến chiếc bút viết trơn tru trên giấy. Từ cây bút trong tay người thợ thuộc da đến chiếc bút của không quân Hoàng gia Anh. Từ những nỗ lực sáng chế không thành đến cây bút đi vào đời sống. Trải qua hơn 130 năm lịch sử, bút bi đã trở thành trợ thủ đắc lực cho mọi giới, xuất hiện ở mọi nơi, từ nhà tranh vách đất đến lầu son tháp ngà. Đi vào thơ ca, văn học, âm nhạc, điện ảnh...

 

Vào thuở sơ khai, bút bi phiên bản gốc có một viên bi thép được giữ bằng khung thép đã mang về cho John Loud bằng sáng chế vào năm 1888, nhưng vì không thương mại hóa nên không thể khai thác hết tiềm năng. Dù bút của Loud chỉ viết được trên bề mặt thô như gỗ và da, nhưng đã tạo cảm hứng nối tiếp cho rất nhiều nhà sáng chế khác. Họ không ngừng tìm kiếm lời giải cho câu đố về vấn đề cung cấp mực, nhưng vẫn liên tục thất bại. Bi thép bị khung thép kẹp chặt dẫn đến tắc mực, nhưng lỏng sẽ làm mực chảy xuống và làm bẩn trang giấy. Người ta thử làm mực đặc hơn, khe bi lỏng hơn nhưng vẫn không mang lại kết quả khả quan. Cây bút bi lúc bấy giờ có thể ứng dụng trong một số lĩnh vực như thuộc da và làm đồ gỗ, nhưng vẫn chưa mang tính phổ biến, số người sử dụng vẫn vô cùng hiếm hoi.

 

Trong suốt 50 năm, các nhà sáng chế vẫn miệt mài tìm kiếm giải pháp để bút bi trở nên đơn giản và thiết thực hơn, cho đến khi sáng chế của László Bíró, một nhà báo người Hungary ra đời. Bởi tính chất công việc, Bíró cần ghi chép nhiều và tốc ký nhanh, nhưng ông luôn phải phiền lòng vì những chiếc bút máy dễ hư và làm bẩn giấy bởi mực lâu khô. Trong một lần tình cờ đi dạo tại công viên, ông thấy những đứa trẻ chơi bi. Một viên bi lăn qua vũng nước và để lại một vệt ướt dài trên đất. Hình ảnh này loé lên trong đầu ông ý tưởng đặt một viên bi ở đầu bút để nó truyền mực ra giấy. Sau đó, một cơ duyên tình cờ, Bíró được mời đi thăm một xưởng in. Ở đây, ông nhận thấy mực in báo khô rất nhanh, vì vậy mà chữ trên báo rõ nét, không bị mờ nhoè. Đó là thời điểm Bíró quyết định tạo ra một loại bút sử dụng mực nhanh khô, xuống mực đều và tuyệt đối không gây bẩn giấy. Lịch sử bút bi sang trang từ đây.

 

Cùng với anh trai Geogre là nhà hoá học, Bíró đã thiết kế ra một cây bút bi mới và nhận bằng sáng chế Anh Quốc năm 1938. Bút bi của Bíró có một viên bi nhỏ ở đầu bút, nó có thể tự xoay tròn trong một cái hốc khi viết trên bề mặt giấy để kéo mực xuống. Chính chuyển động vật lí là này chìa khoá giúp việc ghi chép trơn tru và dễ dàng.

 

Ngày 10 tháng 6 năm 1944, anh trai của Bíró nhận bằng sáng chế tại Argentina với mẫu Bíró Bíró Pens of Argentina. Từ đó, bút bi được bán tại Argentina và dần được thương mại hoá toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, người ta kể lại, lô bút bi đầu tiên được bán ra với giá tương đương 8 tiếng lao động của một công nhân thời đó cho mỗi chiếc, nhưng lượng người xếp hàng chờ mua vẫn đông đảo đến mức hàng trăm cảnh sát phải tạo thành một hàng rào để duy trì trật tự. Ở Việt Nam, mãi sau những năm 80 bút bi mới dần trở nên phổ biến. (Ngọn cờ đầu trong ngành sản xuất bút bi là công ty bút bi Thiên Long) Vì khan hiếm, người ta thậm chí phải bơm mực vào ruột bút để tái sử dụng. Trải qua nhiều thay đổi và cách tân, bút bi dần phổ biến và trở thành vật dụng cần thiết trong đời sống. 

 

Ngày nay, bút bi càng chỉn chu hơn khi được khoác lên mình những lớp vỏ đầy tính thẩm mĩ. Người ta sử dụng nhiều chất liệu khác nhau để làm bút, từ nhựa đến nhôm, gỗ, đồng, vỏ ngọc trai, thậm chí kim loại quý, hay đá quý. Cây bút bi vượt trên công năng ghi chép thông thường, trở thành tặng phẩm tri thức trong những dịp tri ân.

 

Trong thời đại mọi thứ đang dần hiện đại hóa, tuy việc ghi chú bằng những thiết bị thông minh cũng như thói quen gửi thư điện tử đang trở nên phổ biến, nhưng vai trò của việc ghi chép bằng tay vẫn rất quan trọng bởi tính tức thời cũng như hiệu quả ghi nhớ mà nó mang lại. Vì bút không chỉ để ghi, mà còn để nhớ, để trò chuyện với chính mình.

 

back to top