Startup Tôn Nữ Xuân Quyên: 'Không sợ người khác chỉ trích' – BLUSAIGON user

Startup Tôn Nữ Xuân Quyên: 'Không sợ người khác chỉ trích'

TTO - Trong tập 4 chương trình Shark Tank, startup Tôn Nữ Xuân Quyên được Shark Việt đầu tư 4 tỉ đồng cho 32% cổ phần. Hình ảnh người cha của chị - “ông trùm” nút áo vỏ sò, ngọc trai Tôn Thạnh Nghĩa - lên sân khấu gọi vốn cùng con thật ấm áp.

* Nghe lời yêu thương cha nói về con gái, dường như trong mắt cha chị là con gái mà ông tự hào. Còn hình ảnh cha trong mắt chị là như thế nào? Chị học hỏi được gì từ ông ấy trong việc khởi nghiệp?

- Ba tôi từng làm trong một công ty sản xuất cúc áo nhưng phải nghỉ việc vì công ty cắt giảm nhân sự. Lúc đó là trụ cột gia đình ông buộc bản thân phải “thử” khởi nghiệp sản phẩm cúc cài áo với duy nhất một khách hàng.

Hình ảnh cha mẹ cần mẫn, hiền hòa và trung thực trong những sản phẩm mà họ làm ăn sâu vào tâm trí tôi từ nhỏ. Có thể nói, điều mà tôi học được nhiều nhất từ ông trong việc khởi nghiệp là “không biết nhục”.

Ông hay nhắc đi nhắc lại cụm từ này với tôi rất nhiều lần. Ở tuổi ngoài 30, ba tôi mới bắt đầu đi học tiếng Nhật. Sau đó ông đi làm phiên dịch cho người Nhật và học được từ họ sự lịch sự và tế nhị.

Cũng từ sự ảnh hưởng của ba mà văn hóa Nhật cũng dần ngấm vào tôi. Đó là văn hóa không sợ người khác chỉ trích và luôn cầu tiến… Đó cũng là lý do mà tôi sẵn sàng tham gia Shark Tank, phơi “mình” ra và đó là cách học nhanh nhất.

Sự “phơi” mình và học hỏi này đã mang lại cho tôi những bài học giá trị. Một ngày sau khi chương trình phát sóng, lượng khách hàng - đơn hàng tăng 200-300%, rất vui vì được mọi người cổ vũ.

* Khán giả tò mò tại sao với gia thế khủng như vậy, chị lại không kêu gọi vốn ngay từ phía gia đình mình mà lại tới Shark Tank?

- Công ty ba mẹ tôi là “trùm sò” trong nhiều năm nay. Nhưng đây là một ngành ngách nên ba mẹ vẫn giữ được vị trí quán quân đó. Còn nếu nói khủng thì còn có nhiều công ty còn khủng hơn.

Khi ngành này ổn định rồi thì tôi và ba mẹ quyết định mở rộng ra ngành mới do tôi phụ trách. Tôi thậm chí còn không có cổ phần trong công ty của ba mẹ. Trong việc kinh doanh ba mẹ cũng rất rạch ròi với tôi.

Công ty đầu tiên, ba mẹ cho tôi vay 3 tỉ để kinh doanh. Trong 7 năm tôi phải liên tục lấy thu bù chi để xoay xở trong nguồn vốn như vậy. Điều duy nhất ba mẹ giúp tôi trong thời điểm khó khăn là chuyển điểm bán về chỗ của ba mẹ để đỡ chi phí mặt bằng.

Với BLUSAIGON ba mẹ cho tôi 4 tỉ nhưng không phải là tiền mặt tất cả mà trong đó có nhiều thứ bao gồm cả công sức nhân sự có kinh nghiệm, máy móc, nguyên vật liệu, và R&D (nghiên cứu và phát triển).

* Mục đích chị khi đến với Shark Tank: vì vốn hay vì một giá trị nào khác? Chị có thấy mình đạt mục đích không?

- Tôi nghĩ là vì cả hai. Đến với Shark Tank tôi muốn có thêm vốn cho công ty. Ước mơ của tôi là gầy dựng lên một thương hiệu cao cấp của người Việt… Điều này cần phải có vốn mạnh để đi đường dài.

Để hoàn thiện một sản phẩm của BLUSaigon đòi hỏi rất nhiều công đoạn sản xuất tỉ mỉ, tinh xảo vì vậy rất tốn kinh phí. Nhưng có được sản phẩm tốt là một chuyện, còn phải có một chiến lược marketing phù hợp và xây dựng thương hiệu đúng để mang đến cho người dùng giá trị thực sự của thương hiệu.

Tôi muốn có được sự đồng hành của các Shark vì kinh nghiệm, nguồn vốn và tầm nhìn để giúp tôi có thể biến một sản phẩm trở thành một thương hiệu.

 

* Thường thì món quà tặng các quốc gia mang hình ảnh tượng trưng cho quốc gia đó. Việt Nam có áo dài, hoa sen… Chị bày tỏ khát vọng muốn Bút ngọc trai là quà tặng văn hóa quốc gia Việt Nam. Cơ sở nào khiến chị có thể tự tin như vậy?

- Có nhiều lý do để tôi tin vào điều này. Đầu tiên, Việt Nam có đường bờ biển đẹp và dài. Các sản vật từ biển rất nhiều. Lịch sử văn hóa Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, trong đó có nghệ thuật khảm trai.

Trong lịch sử, người Pháp từng về đây để học nghệ thuật này từ người Việt và xuất các sản phẩm khảm trai của Việt Nam sang Pháp. Vì vậy cây bút khảm trai sẽ thể hiện được lịch sử và văn hóa của Việt Nam.

Cây bút thể hiện cho tinh thần hiếu học của Việt Nam. Việc tặng một cây bút sẽ cho bạn bè quốc tế thấy tình yêu tri thức của người Việt. Sản phẩm giúp nâng tầm nghệ thuật thủ công của Việt Nam, mang đến việc làm cho rất nhiều nghệ nhân và người Việt Nam nói chung.

* Trong quá trình khởi nghiệp, có bao giờ chị cảm thấy hoài nghi về con đường khởi nghiệp của mình chưa?

- Ai làm startup cũng từng trải qua khó khăn. Khoảnh khắc nhận sai thường rất đau. Tôi nhận ra tôi không “khôn” như mình nghĩ. Thời gian đầu khởi nghiệp tôi từng mất tất cả vốn do nhiều lý do.

Sau khi gặp khó khăn, tôi thường chọn cách đối mặt thẳng thắn. Tôi đi gặp từng người, xử lý từng công việc đang bị ách tắc. Lúc đó tôi nhận ra rằng, khó khăn không “khó” như mình tưởng.

Sau khi rút kinh nghiệm từ việc khởi nghiệp công ty đầu tiên, sang công ty thứ hai, tôi đi nhanh hơn và vững chắc hơn. Vì tôi biết chính xác lỗi nằm ở đâu và mình biết cần phải làm cái gì.

Những lúc khó khăn quá tôi hay tự hỏi nếu như tôi bỏ hết những cái này là làm lại từ đầu thì tôi sẽ làm gì? Thì tôi sẽ lại startup một công ty mới. Như vậy cũng sẽ bắt đầu lại chính y chang con đường này. Vậy thì tại sao không cố gắng tại thời điểm này? Mình chỉ cần đừng bỏ cuộc thôi.

Cho tới bây giờ thì tôi không hoài nghi nữa. Khởi nghiệp có nhiều khó khăn nhưng mang lại cho mình niềm vui lớn lao: tôi luôn nghĩ ngày mai mình có thể làm được. Giống như vẽ một bức tranh, mỗi ngày một vài nét bút sẽ đến một ngày bức tranh được hoàn thiện.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.

                                                                                                                                                Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online

back to top