BIẾN RÁC BIỂN THÀNH NGOẠI TỆ – BLUSAIGON user

Biến rác thành ngoại tệ

Hành trình của một chiếc nút hay cây viết từ vỏ ốc ngọc trai, được sinh ra từ một ý tưởng vì người Việt đến một thương hiệu triệu đô quy mô tầm thế giới như một câu chuyện cổ tích. Cái kết có hậu sau những ngày tháng gian truân, sóng gió làm người nghe cảm thấy được dịu lòng.

Đó là hành trình mang tên “ biến rác biển thành ngoại tệ” của doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn - người đưa thương hiệu nút Việt đến với những “kinh đô” thời trang xa xỉ bật nhất thế giới…

Ý TƯỞNG TỪ LÝ TƯỞNG

Sống và khát vọng được khẳng định bản thân, chàng thanh niên trẻ Tôn Thạnh Nghĩa từ bé đã ấp ủ những giấc mơ lớn cho con đường mang tên của riêng mình. Sinh ra trong gia đình đông anh chị em tại Tiên Phước, Quảng Nam. Ký ức tuổi thơ của ông làtiếng bom rơi, đạn nổ chiến tranh.

Cảnh nghèo đói và thiếu thốn triền miên của Miền Trung là động lực khiến ông rèn đúc ý chí tự thân mỗi ngày, với tâm niệm chỉ có đi theo “con chữ” mới có thể tiến thân, thoát nghèo.

Năm 1976, ông theo học Thủy lợi tại Đại học Bách Khoa TP.HCM. Sau ra trường, ông được phân công làm việc tại Sở Thủy lợi Sông Bé (tỉnh Bình Dương bây giờ). Công việc vất vả, lương thấp lại xa nhà, ông quyết định quay về Sài Gòn lập nghiệp.

Những năm cuối 1980s, khi nước ta bắt đầu chính sách mở cửa, hội nhập, nền kinh tế Việt Nam có bước chuyển mình lớn với hàng loạt công ty nước ngoài ồ ạt đầu tư. Với vốn tri thức có sẵn, ông nhanh chóng nắm bắt xu hướng tuyển dụng thời bấy giờ, ông Nghĩa đăng ký học thêm tiếng Anh và tiếng Nhật.

Khóa học xong, ông đầu quân cho một công ty Nhật chuyên sản xuất nút áo xà cừ. Chỉ trong vòng 2 năm, từ vị trí phiên dịch viên ông đã được đề cử lên Phó Giám đốc. Mang trong mình dòng máu Việt, lòng tự tôn dân tộc, lúc nào đầu ông cũng loé lên câu hỏi: “Tại sao người Nhật làm được, mà mình không làm được?” Câu hỏi đã thôi thúc ông phải nỗ lực hơn.

Theo ông Nghĩa, Việt Nam có bờ biển dài đến hơn 3000 km, vùng nguyên liệu vỏ ốc biển dồi dào, có sẵn. Vậy tại sao mình không tự làm giàu cho mình, cho đất nước mình? Vì thế, ông quyết định đứng ra mở công ty riêng.

Năm 1997, ông chính thức thành lập Cơ sở sản xuất Nút áo Tôn Văn – tiền thân của Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn, chuyên đầu tư sản xuất nút áo và các sản phẩm từ vỏ ngọc trai mang thương hiệu Tôn Văn.

NHỮNG GIÁ TRỊ MANG THƯƠNG HIỆU “TÔN VĂN”

Mang tham vọng lớn, muốn phủ rộng đến những thị trường khó tính nhưng tiềm năng hơn. Ông bắt đầu hành trình tìm con đường đưa “đứa con” của mình xứng tầm thế giới.

Ngoài sản xuất hàng loạt các mẫu truyền thống, ông còn nhận sản xuất theo đơn thiết kế độc quyền của những thương hiệu thời trang lớn.

Được khách hàng ở những “kinh đô” thời trang New York, Nhật, Hong Kong, Ý, Đức, Pháp, v.v đón nhận là một niềm tự hào dân tộc của Tôn Văn, đánh dấu sự thành công của thương hiệu mà ông tâm đắc gây dựng.

CHO ĐẾN “BLUSAIGON”

Thành công nối tiếp, ông Nghĩa tìm hiểu và phát triển thêm dòng sản phẩm mỹ nghệ khảm trai, sơn mài lâu đời của Việt Nam. Ông đã cùng các con của mình nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm nghệ thuật mang tính ứng dụng thực tiễn từ nguyên liệu xà cừ ngọc trai: Muỗng, Viết hay các món quà lưu niệm khảm trai đặc sắc với thương hiệu mới BLUSAIGON (www.blusaigon.vn).

BLU là viết tắt chữ BLUE (màu xanh) tượng trưng cho màu của biển vì chính nhờ biển đã cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho ngànhnghề của gia đình và cũng là màu của bầu trời đang bao bọc và cung cấp sự sống cho chúng ta.


Nói về lĩnh vực khảm trai, ông chia sẻ “Sau thành công với Nút áo Tôn Văn, tôi tự tin hơn, có động lực để khôi phục những sản phẩm khảm trai thủ công Việt Nam đang mai một."

Hơn hết là biến chúng thành những sản phẩm đặc sắc vừa mang tính văn hóa vừa kinh tế từ vỏ ốc, vỏ trai phế liệu. Không chỉ tạo ra đột phá trong ngành thủ công mỹ nghệ, những sản phẩm của Tôn Văn làm ra rất thân thiện với môi trường.”

Đầy tâm huyết với làng nghề truyền thống Việt Nam, thế hệ trẻ không chỉ nối gót con đường sự nghiệp gia đình mà còn mang theo cả hoài bão, đam mê với những di sản lâu đời của đất nước.

Nói về các con, Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa rất tự hào:“Không chỉ mong con mình tiếp tục điều hành tốt Tôn Văn , tôi luôn ủng hộ các con tự do theo đuổi con đường riêng để tạo ra sản phẩm mới càng giúp “giữ lâu” các làng nghề thủ công và “giữ sạch” môi trường rừng biển càng tốt.

Vậy nên, cậu con trai Thế Văn cùng anh rể Phúc Thịnh đã rất tự tin khi bước ra khỏi cái bóng của ba, tự gầy dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh từ những tâm huyết của riêng mình đối với loại “Sâm vua của đất Việt” này.

Sau 4 năm du học tại Mỹ, anh Văn đã trở về đất Quảng, tự trồng 3ha vùng nguyên liệu tại thôn 2, núi Ngọc Linh, Trà My. Tiếp tục 3 năm nghiên cứu, các anh đã áp dụng thành công phương pháp chiết mầm ươm giống đạt tỷ lên cây cao nhất huyện Trà My.

Các cây con Sâm Ngọc Linh BluSaigon còn có hàm lượng dinh dưỡng Saponin chống ung thư cao hơn hẳn so với các sâm cùng loài trồng tại vị trí địa lý khác và hơn gấp 2 lần so với sâm Hàn Quốc.


Tiếp nối nhiệt huyết khởi nghiệp của cha, hai anh em Tôn Thế Văn đang dồn rất nhiều tâm sức bảo tồn bảo vật quốc gia – Sâm Ngọc Linh , bảo tồn rừng núi quê hương, bảo vệ di sản nghề trồng sâm của dân tộc Xê Đăng.

Có thể góp phần trước làm giàu cho Biển nay làm giàu cho Núi Việt Nam, mang danh tiếng thương hiệu Việt ra tầm thế giới là động lực to lớn để ông cùng các con ngày càng đa dạng hóa và hoàn thiện các sản phẩm.

HỒI ĐÁP CHO CUỘC ĐỜI

Sau một chặng đường hơn 20 năm, ông càng thấm thía cái câu “Đức năng thắng số”. Cứ hết lòng vì lý tưởng, vì mục tiêu, suy nghĩ cho mọi người theo cách mà mình muốn được đối xử, thì chắc chắn sẽ nhận được quả ngọt.

Đó là lý do, vì sao bao nhiêu năm ông thành công trong nghề là bấy nhiêu năm ông tâm huyết với công tác thiện nguyện. Ông tâm sự: “Được ông Trời thương, nên những cố gắng của mình đã được đền đáp. Bây giờ thành công, thì mình quay lại trả ơn cuộc đời”.

Khó khăn trắc trở nhiềunhưng may mắn của ông cũng không ít. Được sự hỗ trợ của người vợ đảm đang và sự ủng hộ hết lòng của 3 người con hiếu thảo, ông đã có nhiều thời gian để đi thiện nguyện khắp cả nước.

Từ những chuyến đi xây mái ấm tình thương cho hộ nghèo miền Tây, đến những chương trình tiếp sức đến trường cho các em học sinh vùng cao,… khiến ông thấy những cố gắng trong nghiệp kinh doanh của mình ý nghĩa.

Hơn hết, là thành viên CLB Doanh nhân Sài Gòn, ông cùng các doanh nhân CLB thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện khắp muôn phương.

Hiện nay, doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa đang là Chủ tịch Hội đồng hương Tiên Phước tại TP. HCM, đồng thời là hội viên CLB Doanh nhân QNH. Chính điều này đã góp phần lớn trong việc kết nối và hỗ trợ bà con đồng hương xa quê và bà con ở quê nhà.

Hàng năm, ông đều hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các chương trình của Hội, tổ chức các chuyến thiện nguyện như Mái Ấm Đại Đoàn Kết, Quà Tết Xum Vầy,…

Đặc biệt, ông là người kêu gọi và hỗ trợ chính của chương trình “Mang lại nụ cười Việt”. Ông đồng hành cùng đội ngũ bác sĩ người Nhật và hỗ trợ chi phí tổ chức chương trình mổ vá hàm ếch cho hàng trăm trẻ em tại Quảng Nam.Hoạt động ý nghĩa này vẫn đang duy trì suốt 17 năm qua.

Ngoài đời doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa là một doanh nhân tài năng và đầy quyết đoán, nhưng khi trở về với mái ấm gia đình, ông là người chồng, người cha người ông luôn sống chan hoà tình cảm và hết mực yêu thương gia đình.

Với ông, ngoài tự hào là người góp phần đưa thương hiệu nút áo và viết từ vỏ ốc biển rồi sắp tới là Sâm núi Ngọc Linh vươn tầm thế giới, ông còn có một niềm tự hào khác đó là một gia đình hạnh phúc luôn tràn đầy những tiếng cười. Đó là tất cả những gì mà ông luôn ao ước…

back to top